“BIM” được quan tâm nhiều hơn trong lĩnh vực xây dựng khi tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế ngày càng tăng. Dưới đây là “5 xu hướng phát triển của BIM” được dự đoán là sẽ được nhiều doanh nghiệp quan tâm và áp dụng trong tương lai để hướng đến “chuyển đổi số ngành xây dựng” và nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Nội dung chính
5 xu hướng phát triển của BIM
– Kết nối làm việc thông qua môi trường kỹ thuật số:
“Làm việc từ xa” đã được ứng dụng nhiều hơn, đặc biệt là kể từ khi xảy ra đại dịch Covid 19. Việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để làm việc từ xa ngày càng được quan tâm và nó đang dần trở nên quen thuộc trên toàn thế giới vì giúp giảm thiểu đáng kể các chi phí vận hành cho doanh nghiệp.
Do đó, “kết nối làm việc thông qua môi trường kỹ thuật số” được dự đoán sẽ là một trong những xu hướng phát triển của BIM trong tương lai. Từ họp hành, phê duyệt tài liệu, đàm phán hợp đồng, kiểm tra hiện trường… tất cả đều được thực hiện qua môi trường kỹ thuật số. Công việc được thực hiện nhanh hơn cũng đồng nghĩa sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí dự án, từ đó gia tăng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Yếu tố cần thiết: Môi trường dữ liệu chung (CDE) cần phải đầy đủ, hiệu quả, thân thiện để sử dụng, sắp xếp và bổ sung.
>>> Xem thêm: 5 Lợi Ích Của Việc Sử Dụng “Môi Trường Dữ Liệu Chung” Cho Các Dự Án Xây Dựng
– Ứng dụng công nghệ BIM ngay tại công trường:
Khi công nghệ BIM ngày càng phát triển, việc sử dụng các mô hình BIM ngay tại công trường cũng trở nên dễ dàng hơn. chỉ với một chiếc laptop, nhà thầu có thể sử dụng mô hình BIM để kiểm soát, giám sát việc xây dựng, đảm bảo đúng thiết kế, thông số kỹ thuật, tiến độ dự án.
Bằng việc “ứng dụng công nghệ BIM ngay tại công trường” có thể giúp nhà thầu tăng hiệu quả và tiết kiệm thời gian thực hiện dự án, do đó yếu tố này cũng rất có khả năng trở thành xu hướng phát triển của BIM mà các nhà thầu cần quan tâm.
Yếu tố cần thiết: Các giải pháp phần mềm có thể đọc được mô hình BIM kèm theo.
– Tự động hóa công việc:
Khi “Kết nối làm việc thông qua môi trường kỹ thuật số” và “Ứng dụng công nghệ BIM ngay tại công trường” phát triển, nó sẽ kéo theo một xu hướng phát triển của BIM tiếp theo là “tự động hóa công việc”.
Nhu cầu tự động hóa trong quy trình làm việc của doanh nghiệp luôn là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu, vì nó giúp công việc được thực hiện nhanh hơn, tốt hơn và chất lượng được đảm bảo hơn, từ đó giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh của mình.
Yếu tố cần thiết: Phần mềm lập trình, thiết kế và lập quy trình tự động bằng robot.
– Trực quan hóa dữ liệu:
“Trực quan hóa dữ liệu” là yếu tố cần thiết để giúp cho dữ liệu dễ hiểu, dễ tiếp cận và sử dụng vì khối lượng dữ liệu ngày một nhiều, các mô hình BIM cũng ngày càng chứa nhiều dữ liệu hơn, do đó nếu không được sắp xếp hợp lý, chúng rất dễ bị tràn lan và gây rối cho người sử dụng. Vì thế, đây cũng được đánh giá là xu hướng phát triển của BIM mà nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi.
Yếu tố cần thiết: Các phần mềm xây dựng, phần mềm sắp xếp dữ liệu.
– Digital Twins (hay bản sao kỹ thuật số):
Cụm từ “Digital Twins” bắt đầu thông dụng từ năm 2020. Nó được hiểu đơn giản là “bản sao kỹ thuật số” của một vật thể hay đối tượng vật lý. Digital Twins cung cấp mọi thông tin về đối tượng như chúng đang ở trong thế giới thực, do đó chúng được sử dụng để tái tạo các quy trình sản xuất.
Các chủ tòa nhà bắt đầu yêu cầu một mô hình được xây dựng tương đương với thực tế, điều này cũng đồng nghĩa với các dữ liệu về hoạt động sẽ được kết nối với nhau. Vì thế “Digital Twins” không những đang phát triển mà còn được đánh giá là sẽ trở thành xu hướng phát triển của BIM và ngành xây dựng trong tương lai.
Yếu tố cần thiết: Phần mềm xây dựng, tạo dựng mô hình kết nối dữ liệu.
“Scan to BIM” và xu hướng của ngành xây dựng
“Scan to BIM” là một quy trình mà trong đó máy quét 3D laser được sử dụng để thu thập dữ liệu và quá trình xử lý tạo ra mô hình kỹ thuật số 3D dưới dạng dữ liệu Point Cloud chính xác về các vật thể trong thế giới thực.
Để tạo ra các mô hình BIM có độ chính xác cao, bước thu thập dữ liệu là vô cùng quan trọng. “Scan to BIM” sử dụng thiết bị quét 3D laser (3D laser scanning) để thu thập dữ liệu. Với thiết bị quét 3D laser, độ tương thích giữa mô hình quét 3D so với thực tế sẽ đạt được độ chính xác nhất định, được liên kết và có tính xây dựng cao đáp ứng được yêu cầu dự án. Dữ liệu sau quá trình scan có thể được sử dụng để thiết kế, đánh giá tiến độ thi công hoặc đánh giá chất lượng, hiệu quả của dự án.
Với hiện trạng đô thị hóa ngày càng tăng trên thế giới hiện nay, đồng nghĩa với việc cần có nhiều không gian cho đô thị hơn. Do đó, BIM là cách tối ưu nhất để xây dựng một kế hoạch hiệu quả và phù hợp, đặc biệt là ở các thành phố đang trong giai đoạn tăng trưởng. Điều quan trọng hơn hết là đúng thời điểm và đúng ngân sách. “Scan to BIM” là một trong những yếu tố tiền đề mà các nhà thầu cần quan tâm khi muốn tiếp cận những xu hướng phát triển của BIM và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Nguồn tham khảo: pointgroup.vn
>>> Xem thêm: 2 Cách Sử Dụng Công Nghệ Để Thực Hiện QA/QC Tốt Hơn