Trạm vệ tinh quốc gia đóng vai trò quan trọng với khả năng cung cấp dịch vụ điều hướng, dẫn đường và định vị độ chính xác cao. Vậy bạn biết gì về Trạm vệ tinh quốc gia, cũng như Trạm vệ tinh quốc gia Việt Nam? Hãy cùng tìm hiểu về Trạm vệ quốc gia trong bài viết sau đây!
Nội dung chính
Trạm vệ tinh quốc gia là gì?
Trạm vệ tinh quốc gia là các trạm cố định được xây dựng trên mặt đất được sử dụng để thu nhận tín hiệu định vị từ các vệ tinh và xử lý, truyền thông tin nhằm phục vụ cho mục đích đo đạc và thành lập bản đồ.
Hình 1. Trạm vệ tinh quốc gia là trạm cố định được xây dựng trên mặt đất để thu nhận, xử lý và truyền tín hiệu định vị vệ tinh.
– Thiết kế sơ bộ của trạm vệ tinh quốc gia
Trạm vệ tinh quốc gia được thiết kế thành 2 loại để sử dụng tùy theo mục đích sử dụng:
- Trạm tham chiếu cơ sở phân bố đều trên khắp toàn quốc: Khoảng giữa các trạm trung bình từ 150km đến 200km, trạm này được sử dụng để làm khung tham chiếu cho tọa độ quốc gia, phục vụ cho các nhiệm vụ đo đạc, thành lập bản đồ và nghiên cứu khoa học.
- Trạm tham chiếu tăng dày giữa các trạm tham chiếu cơ sở: Trạm tham chiếu này hoạt động liên tục, được tăng dày hơn giữa những trạm tham chiếu cơ sở với khoảng cách giữa các trạm trung bình từ 50km đến 70km (hoặc có trường hợp đặc biệt có thể đến 100km).
Hai loại trạm vệ tinh này kết hợp cùng nhau để tạo nên mạng lưới trạm vệ tinh quốc gia với khả năng cung cấp dịch vụ dẫn đường, định vị theo thời gian thực. Trạm vệ tinh quốc gia mang lại độ chính xác định vị đạt cỡ centimet và đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu về tính chính xác cần thiết cho công tác đo đạc và thành lập bản đồ hiện nay.
Trong quá trình thiết kế, xây dựng trạm vệ tinh quốc gia cần phải ưu tiên chọn lựa vị trí tại những nơi đã có sẵn cơ sở hạ tầng, ví dụ như: cơ sở quan trắc tài nguyên môi trường, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường của địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp để tiết kiệm chi phí vận hành, đầu tư, đồng thời đảm bảo được tính ổn định, lâu dài và bảo mật thông tin, dữ liệu.
Vị trí của tất cả các trạm vệ tinh quốc gia phải được thể hiện một cách tổng thể trên nền bản đồ địa hình quốc gia ở tỷ lệ 1:1.000.000. Bên cạnh đó, từng trạm vệ tinh quốc gia cần được thể hiện vị trí cụ thể trên bản đồ địa hình quốc gia ở tỷ 1:50.000 hoặc lớn hơn để làm cơ sở cho công tác khảo sát, lựa chọn vị trí cụ thể xây dựng trạm.
– Trạm vệ tinh quốc gia được nhận biết bằng tên và số hiệu
Mỗi một trạm vệ tinh quốc gia đều được đặt tên và đánh số hiệu để nhận biết dễ dàng.
Tên của trạm vệ tinh quốc gia gồm tên đầy đủ và tên rút gọn. Tên đầy đủ được lấy dựa theo địa danh tại khu vực đặt trạm. Tên rút gọn bao gồm 4 ký tự được viết tắt dựa trên tên đầy đủ. Đồng thời, tên rút gọn cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Dễ dàng nhận biết hơn so với tên đầy đủ
- Không được trùng lặp trong mạng lưới trạm vệ tinh quốc gia.
- Đối với các điểm thuộc mạng lưới trạm vệ tinh của tổ chức IGS thì không được trùng với tên đã có trong mạng lưới IGS.
Số hiệu của trạm vệ tinh quốc gia phải được đảm bảo là duy nhất trong mạng lưới trạm vệ tinh quốc gia, bao gồm 9 ký tự, với:
- 2 ký tự đầu tiên là mã vùng của quốc gia.
- 4 ký tự tiếp theo chính là tên rút gọn của trạm.
- 3 ký tự tiếp theo là số thứ tự trạm trong mạng lưới trạm vệ tinh quốc gia, trong đó trạm tham chiếu cơ sở được đánh số theo thứ tự từ 001 đến 039.
Hệ thống trạm vệ tinh quốc gia VNGEONET của Việt Nam
– Hệ thống trạm vệ tinh quốc gia có bao nhiêu trạm?
Hệ thống trạm vệ tinh quốc gia Việt Nam (VNGEONET) bao gồm 65 trạm, trong đó:
- 24 trạm Geodetic CORS được bố trí với khoảng cách giữa các trạm trong khoảng từ 150 đến 200 km trên phạm vi toàn quốc.
- 41 trạm NRTK CORS được bố trí trên 3 khu vực là Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa; miền Trung và Tây Nguyên; và khu vực Nam bộ với khoảng cách giữa các trạm trong khoảng cách từ 50 đến 80 km.
Hình 2. Bố trí hệ thống trạm vệ tinh quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
– Hệ thống trạm vệ tinh quốc gia VNGEONET có gì đặc biệt?
- Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong đo đạc và thành lập bản đồ với khả năng cung cấp độ chính xác cao.
- Tiết kiệm thời gian đo ngắm và định vị, đồng thời công việc đo ngắm không phụ thuộc vào yếu tố thời điểm hay thời tiết.
- Hạ tầng quan trọng cho việc xây dựng dữ liệu không gian, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh – quốc phòng, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
- Cung cấp khả năng đo động theo thời gian thực nhờ vào việc thu nhận và xử lý tín hiệu của đa dạng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GNSS trên thế giới, chẳng hạn như: GPS (Mỹ), GLONASS (Nga), BeiDou (Trung Quốc), Galileo (Liên minh Châu Âu), QZSS (Nhật),…
- Không chỉ trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, trạm vệ tinh quốc gia còn được sử dụng trong các công việc như định vị, dẫn đường, giao thông, quản lý phương tiện, thiết bị, du lịch,…
– Ý nghĩa của hệ thống trạm vệ tinh quốc gia VNGEONET
Hệ thống trạm vệ tinh quốc gia Việt Nam VNGEONET đóng góp cho sự hoàn thiện và hiện đại hóa về cơ sở hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản. Bên cạnh đó, hệ thống mang lại lợi ích về dữ liệu, thông tin một cách đầy đủ và chính xác, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, bảo vệ môi trường, giám sát tài nguyên, phòng chống thiên tai, cứu nạn, bảo vệ lãnh thổ Việt Nam, cũng như thúc đẩy những hoạt động nghiên cứu về Trái Đất.
Mong rằng, qua bài viết này bạn bạn đã hiểu thêm vệ trạm vệ tinh quốc gia và tầm quan trọng của hệ thống này. Mọi thắc mắc, cần tư vấn thêm về trạm vệ tinh quốc gia, cũng như thiết bị sử dụng trong định vị vệ tinh, hãy liên hệ ngay đến chúng tôi qua HOTLINE 0903 825 125!
>>> Xem thêm: Tín hiệu vệ tinh GNSS truyền tải những thông tin gì?