Trắc địa bản đồ là một ngành có đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hãy cùng bandotracdia tìm hiểu rõ hơn về ngành này qua bài viết dưới đây.
Nội dung chính
Trắc địa bản đồ là gì?
Trắc địa, hay còn gọi là trắc đạc, là hoạt động đo đạc và xử lý thông tin để xác định vị trí tương đối của điểm/đối tượng trên bề mặt Trái Đất.
Trắc địa bản đồ là một ngành khoa học và công nghệ nói về việc thu thập, phân tích và biểu diễn các thông tin không gian (dựa trên Trái Đất). Trắc địa bản đồ bao gồm nhiều ứng dụng khác nhau như: Định vị vệ tinh, viễn thám, trắc địa, địa chính, hệ thống thông tin địa lý (GIS)… Đây là một trong những ngành khoa học có lịch sử phát triển lâu đời ở trên thế giới và cả Việt Nam.
>> Xem thêm: Tìm hiểu về trắc địa và 8 phân hệ của trắc địa
Lịch sử phát triển của ngành Trắc địa bản đồ
Khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập thường phải “phân chia đất đai” giữa các bộ tộc sau các trận lũ của sông Nin. Thuật ngữ “trắc địa” tức “phân chia đất đai” được ra đời từ đây. Sau Ai Cập, Cổ Hy Lạp có nền văn hóa phát triển mạnh. Vào khoảng 300 năm trước Công Nguyên, Eratosthene – một nhà thiên văn học đã cho rằng Trái Đất có dạng hình cầu, và đo được độ dài cung kinh tuyến.
Một số cột mốc phát triển của Trắc địa là:
- Thế kỷ XIII, Trung quốc tìm ra la bàn và ứng dụng la vào thành lập bản đồ hàng hải bằng phương pháp sao hỏa tâm.
- Thế kỷ XVI, Mercator – nhà bản đồ học đã tìm ra phép chiếu phương vị ngang đồng góc để vẽ bản đồ.
- Thế kỷ XVII, Vecnie – nhà bác học đã phát minh ra du xích.
- Thế kỷ XVIII, Lambert – nhà bác học đo được độ dài kinh tuyến qua Pari và đặt ra đơn vị độ dài đo là mét.
- Thế kỷ XIX, Gauss – nhà toán học tìm ra phương pháp chiếu đồ mới.
Trải qua nhiều thời đại, khoa học trắc địa ngày càng phát triển. Những phát minh như kính viễn vọng, logarit, tam giác lượng mặt cầu… đã tạo điều kiện để nhiều kỹ thuật tiên tiến ra đời như: kỹ thuật thăm dò từ xa (viễn thám) cho phép thành lập bản đồ từ ảnh máy bay không người lái, ảnh vệ tinh. Nhiều quốc gia đã chế tạo ra các dòng máy trắc địa có kích thước nhỏ, với nhiều tính năng và có độ chính xác cao, sử dụng máy tính điện tử vào việc giải các bài toán trắc địa lớn… là những thành tựu mới nhất của khoa học áp dụng trong trắc địa.
Tại Việt Nam, ngành Trắc địa phát triển từ khá sớm, những kiến thức về trắc địa được áp dụng trong sản xuất, quốc phòng. Các công trình như thành Cổ Loa, kinh đô Hoa Lư, mở rộng đường sá, sông ngòi… cũng ứng dụng các hiểu biết về trắc địa để thực hiện.
Điển hình là dưới thời nhà Lê, năm 1467, vua Lê Thánh Tôn đã cho người đi khảo sát núi sông để lập bản đồ nước Đại Việt thời Hồng Đức. Tấm bản đồ do vua Minh Mạng nhà Nguyễn công bố năm 1834 – “Đại Nam Nhất thống Toàn đồ” là tấm bản đồ đầu tiên thể hiện khá chi tiết và đầy đủ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta ở thời điểm đó.
Vào đầu thế kỷ XX, Pháp đô hộ Việt Nam và tiến hành đo vẽ lại toàn Đông Dương. Quá trình đo đạc được tiến hành có tổ chức và sử dụng phương pháp đo tiên tiến cũng như máy móc chất lượng cao, do đó một số bản đồ vẫn còn giá trị sử dụng mãi về sau này.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946-1954), các hoạt động trắc địa được sử dụng chủ yếu để phục vụ cho quân sự như: trắc địa pháo binh, công binh, trinh sát… Và khi kháng chiến thành công, nhà nước Việt Nam ra đời năm 1959 đánh dấu một bước trưởng thành của ngành trắc địa Việt Nam.
Đội ngũ người làm công tác đo đạc và bản đồ nhà nước là cơ quan có chức năng tổ chức việc đo vẽ bản đồ toàn quốc các tỷ lệ, ban hành Quy phạm trắc địa và thống nhất công tác trắc địa trong cả nước.
Ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ
Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ (tiếng Anh là Surveying and Mapping Engineering) là một ngành thuộc nhóm ngành Khoa học Trái Đất, bao gồm việc thu thập, phân tích và biểu diễn các thông tin không gian dựa trên Trái Đất. Sau đó, xử lý, phân tích thông tin bởi các công nghệ hiện đại, tiên tiến. Kết quả thu được được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Ngành Kỹ thuật trắc địa – Bản đồ hiện nay được đào tạo ở các bậc học Đại học/Cao đẳng/Trung cấp. Chương trình đào tạo sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên ngành cũng như lý luận thực tiễn của khoa học về đo đạc và bản đồ, trình bày và quản lý dữ liệu không gian có liên quan đến các đặc điểm vật lý của Trái Đất.
Các lĩnh vực chuyên sâu của ngành Kỹ thuật trắc địa – Bản đồ gồm có: Trắc địa, Địa chính, Bản đồ, Trắc địa ảnh, Viễn thám và Hệ thông tin địa lý.
Khi học ngành Kỹ thuật trắc địa – Bản đồ, sinh viên sẽ nắm vững các công nghệ mới trong phân tích, xử lý các thông tin không gian, ví dụ như: Định vị vệ tinh, viễn thám, trắc địa, và hệ thông tin địa lý phục vụ các dự án từ giao thông, thủy lợi, xây dựng, giao thông, nông lâm nghiệp, cấp thoát nước…
Ngoài ra, ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ còn ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám để giải quyết các bài toán phục vụ lĩnh vực khoa học như: Địa chính, quy hoạch thành phố, quản lý đô thị, quản lý và quy hoạch sử dụng đất, định giá thống kê và đánh giá quản lý thị trường bất động sản.
>> Xem thêm: Những Thông Tin Cần Biết Về Ngành Trắc địa Bản Đồ