Trong lĩnh vực xây dựng tòa nhà, BIM (Building Information Modeling) là một quy trình quan trọng, thậm chí bắt buộc phải có để đảm bảo việc lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng đạt hiệu quả cao. Vậy BIM là gì? Hãy cùng Đất Hợp tìm hiểu về BIM qua bài viết dưới đây.
Nội dung chính
BIM là gì?
BIM là từ viết tắt của Building Information Modeling hoặc Building Information Management, là một quá trình hợp tác cao cho phép các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà phát triển bất động sản, nhà thầu, nhà sản xuất và chuyên gia xây dựng lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng một cấu trúc hoặc tòa nhà trong một mô hình 3D.
BIM cũng có thể bao gồm cả việc vận hành và quản lý các tòa nhà, bằng cách sử dụng các dữ liệu về tòa nhà mà chủ sở cung cấp hoặc các cấu trúc có quyền truy cập (được gọi là Quản lý thông tin tòa nhà). Dữ liệu này cũng cho phép Chính phủ, Quản lý Thành phố và Người quản lý bất động sản đưa ra những quyết định sáng suốt dựa trên thông tin thu được từ mô hình – ngay cả sau khi tòa nhà được xây dựng.
Nếu như trước đây, sử dụng các bản thiết kế và bản vẽ 2D là cách để thể hiện thông tin về một kế hoạch xây dựng cụ thể, cách này gặp khá nhiều khó khăn trong việc hình dung kích thước và các yêu cầu xây dựng. Bản vẽ CAD (Computer Aided Design) đã được ra đời nhằm giúp người dùng hình dung được các yêu cầu rõ ràng hơn trong môi trường kỹ thuật số nhưng vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu mặc dù CAD đã chuyển được từ 2D sang CAD 3D.
So với các phương pháp mô hình hóa thông tin ở trên, BIM hiện nay được xem như là một tiêu chuẩn cho việc mô hình hóa thông tin dạng 3D, không những thế, BIM còn làm được nhiều hơn những gì ta kỳ vọng tùy theo cấp độ BIM mà người dùng đầu tư.
Xem thêm: Xu hướng của Scan to BIM trong tương lai
Đối tượng của BIM
BIM được cấu thành những từ thành phần có dạng hình học và lưu trữ dữ liệu. Nếu có bất kỳ thành phần nào thay đổi, phần mềm quản lý BIM sẽ cập nhật và phản ánh điều đó, điều này cho phép BIM duy trì được tính nhất quán trong suốt toàn bộ quá trình thực hiện dự án, giúp các kiến trúc sư, kỹ sư MEP hay quản lý dự án, chủ đầu tư… có một môi trường làm việc thống nhất và tính hợp tác cũng cao hơn.
Qua đó có thể thấy rằng, BIM đề cập đến quá trình của tất cả các bên liên quan trong một dự án xây dựng và quản lý tài sản được xây dựng. Sức mạnh của BIM nằm ở “cơ sở dữ liệu” – thông tin được thu thập từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành.
Dữ liệu trong BIM có thể được sử dụng để đưa ra các quyết định cải tiến nhằm làm tăng độ chính xác, thể hiện được nội dung thiết kế ra ngoài hiện trường thực tế, từ đó làm giảm sai số và gia tăng chi phí cho các khoản làm lại, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về các tòa nhà phục vụ cho công tác cải tạo sau này.
Thông tin BIM được chia sẻ như thế nào?
Các thông tin trong mô hình BIM được gọi là “mô hình thông tin”, nó được chia sẻ thông qua một môi trường trực tuyến mà nhiều người đều có thể truy cập, gọi là CDE. Các thông tin này có thể được sử dụng ở tất cả các giai đoạn trong vòng đời của một tòa nhà, kể từ lúc xây dựng, đến lúc hoạt động và các cải tạo, sửa chữa sau này.
6 cấp độ của BIM
Dữ liệu trong BIM được chia thành nhiều cấp độ khác nhau để dễ dàng đánh giá mức độ hiệu quả, lượng thông tin đang được chia sẻ và quản lý nhằm phục vụ nhu cầu cho từng loại dự án cụ thể. Mỗi cấp độ BIM đại diện cho một tiêu chí khác nhau để thể hiện dữ liệu. Cụ thể là BIM được phân thành 6 cấp độ, từ cấp độ 0 đến cấp độ 6:
– BIM cấp độ 0: Bản vẽ trên giấy, không cộng tác
Có thể hiểu BIM ở cấp độ 0 đơn giản là các bản vẽ CAD 2D và quá trình làm việc chỉ sử dụng các bản vẽ hoặc bản in từ các thiết kế 2D này. Do đó, sự cộng tác trên các bản vẽ này là hoàn toàn không có, điều đó cũng đồng nghĩa sai sót sẽ rất dễ xảy ra.
– BIM cấp độ 1: Bản vẽ xây dựng 2D kết hợp một số mô hình 3D
Ở cấp độ 1 của BIM, mô hình CAD 3D được sử dụng cho các công tác triển khai về khái niệm, và CAD 2D dùng để sản xuất thông tin và các tài liệu khác. Các tiêu chuẩn về CAD trong BIM cấp độ 1 được quản lý theo tiêu chuẩn BS 1192: 2007. Nâng cấp ở BIM cấp độ 1 so với BIM cấp độ 0 là dữ liệu được chia sẻ trên CDE, tuy nhiên không có nhiều liên quan giữa bên quản lý dữ liệu và bên sử dụng dữ liệu.
– BIM cấp độ 2: Mỗi nhóm làm việc trong mô hình 3D riêng
Bắt đầu từ cấp độ 2 BIM được bổ sung thêm môi trường cộng tác. Tại đây, các nhóm làm việc có thể cùng nhau hoạt động chung trong cùng một môi trường làm việc. Điều này cũng đã bắt buộc ở Anh từ Tháng 04/2016 đối với các dự án đầu thầu công khai. Ở Pháp cũng đã bắt buộc các nhà thầu phải sử dụng BIM cấp độ 2 cho các dự án đấu thầu từ năm 2017.
Ở cấp độ 2 này, các thông tin về thiết kế sẽ được chia sẻ qua một định dạng tệp chung, điều này sẽ sẽ giúp các nhóm làm việc tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí và nhu cầu làm lại.
– BIM cấp độ 3: Các nhóm làm việc với mô hình 3D được chia sẻ
Lên cấp độ 3, sự hợp tác trong BIM còn được thể hiện rõ ràng hơn. Thay vì mỗi thành viên trong nhóm làm việc trong một môi trường 3D riêng, cấp độ 3 của BIM cho phép cả nhóm cùng làm việc với nhau trong cùng mô hình chung. Đây được gọi Open BIM.
Có thể tóm tắt lợi ích của BIM ở cấp độ 3 như sau:
- Cung cấp hình ảnh 3D với chất lượng cao hơn về toàn bộ dự án.
- Các nhóm khác nhau hợp tác dễ dàng hơn.
- Giao tiếp đơn giản và dễ dàng hiểu nội dung/ý tưởng thiết kế.
- Giảm việc làm lại và sửa đổi ở mọi giai đoạn của dự án.
– BIM cấp độ 4, 5 và 6: Thêm thông tin về lập lịch trình, chi phí và tính bền vững
BIM ở cấp độ 4 đưa một yếu tố mới vào mô hình thông tin, đó là thời gian, bao gồm các dữ liệu thời gian về lập lịch trình, giúp phác thảo thời gian cho mỗi giai đoạn của dự án hoặc trình tự sắp xếp các thành phần khác nhau trong dự án.
BIM cấp độ 5 bổ sung tính năng ước tính chi phí, phân tích ngân sách và theo dõi ngân sách. Khi làm việc ở cấp độ này, chủ dự án có thể theo dõi và xác định những chi phí nào sẽ phát sinh trong suốt thời gian dự án diễn ra.
BIM ở cấp độ 6 cung cấp các thông tin rất hữu ích để tính toán mức tiêu thụ năng lượng của một tòa nhà trước khi xây dựng. Điều này giúp đảm bảo rằng chi phí luôn trong tầm kiểm soát và năng lượng được sử dụng hiệu quả, bền vững.
Tương lai của BIM như thế nào?
Rõ ràng rằng BIM mang lại nhiều lợi ích cho ngành xây dựng và quản lý tòa nhà. Thông qua mỗi cấp độ của BIM, nó giúp người dùng xác định rõ mục tiêu và xác định cách mà người dùng làm việc, tương tác với dữ liệu. Tương lai của BIM sẽ mang tính cộng tác cao hơn khi BIM cấp 4, 5, 6 bắt đầu được nhiều người dùng đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, trong tương lai BIM có khả năng sẽ trở thành xu thế tất yếu của ngành xây dựng khi nhu cầu làm việc chính xác gia tăng và giảm thiểu sự kém hiệu quả do làm lại để tối ưu chi phí hơn thì BIM là một công cụ vô cùng hữu ích, tạo điền đề cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Nguồn bài viết: What is BIM?
Xem thêm: Nâng Cấp Quy Trình BIM Với Công Nghệ XR